TRẮC NGHIỆM LỊCH SỬ


Đếm lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter

Hỏi đáp các vấn đề Lịch Sử


CÂU HỎI VÀ CÂU TRẢ LỜI
Câu hỏi: Câu hỏi 15: Việc đánh B52 đã được Bác Hồ chỉ đạo từ rất sớm và được Bác thường xuyên quan tâm như thế nào
Trả lời:

Đáp: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ có tầm nhìn xa trông rộng, trên mọi lĩnh vực. Có người đã từng ca ngợi Hồ Chí Minh là "nhà tiên tri". Riêng trong việc chỉ đạo đánh B52 thì con mắt nhìn xa trông rộng của Bác quả là kỳ diệu.

Ngay từ khi Đại tá Phùng Thế Tài vừa mới nhận chức Tư lệnh Bộ đội Phòng không (1962), Bác Hồ đã hỏi ông: "Chú đã biết gì về máy bay B52 chưa?", câu hỏi khiến Đại tá Phùng Thế Tài lúc ấy thật sự lúng túng, bởi vì ông chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ loại máy bay này.

Nhớ lại hồi chống Pháp, trong một chuyến sang Liên Xô, Bác Hồ đã trực tiếp đề nghị Thống chế Xta-lin giúp cho Việt Nam một đơn vị pháo bắn máy bay. Hồi đó không quân Pháp làm chủ bầu trời Đông Dương, còn bộ đội ta thì chỉ có những khẩu súng trường, súng máy tầm thấp. Nhờ Liên Xô trang bị vũ khí và Trung Quốc giúp huấn luyện, một trung đoàn pháo cao xạ 37 ly đầu tiên của Quân đội ta được thành lập, mang tên Trung đoàn B67, đơn vị đã lập công xuất sắc, bắn rơi nhiều máy bay địch (52 chiếc trên tổng số 62 chiếc bị bắn rơi) góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

Bước sang thời kỳ đánh Mỹ, khi mà bộ đội phòng không chỉ mới có pháo cao xạ và ra-đa, chính Bác Hồ lại đặt vấn đề với Liên Xô chi viện cho Việt Nam vũ khí Tên lửa phòng không. Chính phủ Liên Xô lúc này do ông Cô-xi-ghin làm Thủ tướng. Một trung đoàn Tên lửa SAM2 đầu tiên ra đời, mang phiên hiệu Trung đoàn H36.

Ngày 18 tháng 6 năm 1965, đế quốc Mỹ cho 30 chiếc B52 từ đảo Gu-am giữa Thái Bình Dương bay vào "rải thảm" khu căn cứ Long Nguyên của ta ở huyện Bến Cát. Đây là lần đầu tiên B52 được sử dụng ở Việt Nam. Giặc Mỹ muốn dùng con ngáo ộp B52 để hăm dọa chúng ta.

Nhưng chỉ một tháng sau, ngày 19 tháng 7, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt nhân dân Việt Nam đã lên tiếng trả lời bọn xâm lược: "Dù đế quốc Mỹ lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay "Bê" gì đi nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh. Mà đã đánh là nhất định thắng! Lời Bác thiêng liêng như lời sông núi.
Ý nghĩa sâu sắc trong lời Bác gọi thấm sâu vào mọi trái tim của nhân dân Việt Nam.

"Phải đánh thắng B52!" Mối quan tâm của Bác, cũng là nỗi lo canh cánh trong lòng của mỗi cán bộ Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân.

Ngày 24 tháng 7 năm ấy, Trung đoàn tên lửa H361 ra quân đánh thắng trận đầu, bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F4C Mỹ trên bầu trời Hà Tây. Hôm sau lại hạ tại chỗ thêm 1 máy bay trinh sát không người lái BQM34A ở độ cao 19 ki-lô-mét.

Bộ Tư lệnh Quân chủng hết sức vui mừng vì đây là hai chiến công đầu xuất sắc của bộ đội tên lửa Việt Nam. Ngoài ra nó còn mang ý nghĩa đặc biệt: Khả năng tên lửa Việt Nam trị được B52 Mỹ đã ở trong tầm tay. Chiếc LBQM34A bị hạ ở độ cao 19 ki-lô-mét, trong khi độ cao ném bom tối đa của B52 chỉ đạt tới 17 ki-lô-mét và độ cao ném bom hiệu quả chỉ có từ 9 đến 11 ki-lô-mét.

Bác Hồ đã gửi thư khen quân dân Hà Tây đánh giỏi. Hai tiểu đoàn tên lửa trực tiếp lập công (Tiểu đoàn 63 và 64) được Chủ tịch nước ký quyết định tặng thưởng 2 Huân chương Quân công hạng ba.

 

Ngày 12 tháng 4 năm 1966, Mỹ lại cho 9 chiếc B52, cũng từ đảo Gu-am đến ném bom đèo Mụ Gịa, miền tây tỉnh Quảng Bình. Ít lâu sau, B52 đánh rộng đến Vĩnh Linh, phía bắc giới tuyến 17 với mức độ ngày càng dữ dội. Đại tá Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân được mời lên gặp Bác. Bác dặn: "Máy bay B52 Mỹ đã ném bom miền Bắc. Phải tìm cách đánh cho được B52. Nhiệm vụ này Bác giao cho các chú Phòng không - Không quân".

Thực hiện chỉ thị của Bác Hồ, Quân chủng Phòng không - Không quân đề nghị Bộ Tổng Tham mưu cho đưa một trung đoàn tên lửa vào Vĩnh Linh, nơi B52 Mỹ ngày đêm gieo tội ác. Ý kiến đó được Bác rất hoan nghênh. Bác nói với Tư lệnh Quân chủng: "Các chú muốn bắt cọp phải vào hang".

Vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, qua nhiều tháng kiên trì "tàng hình rình mồi” (Chú thích:tàng hình rình mồi: ngụy trang thật kín đáo để phục kích đánh B52.) giữa đất thép Vĩnh Linh, Trung đoàn tên lửa SAM2 mang tên H38 đã bắn rơi được chiếc B52 đầu tiên ngày 17 tháng 9 năm 1967.

Tin vui bay về Hà Nội. Bác liền viết thư khen đồng bào, chiến sĩ Vĩnh Linh bắn rơi B52 Mỹ. Tiểu đoàn 84 của Trung đoàn H38 được Bác tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhì.

Vào một buổi tối mùa xuân năm 1968, tại ngôi nhà sàn, Bác Hồ lại nói với đồng chí Phùng Thế Tài, lúc này là Phó Tổng tham mưu trưởng lời dự báo như đã nói ở phần trên: "Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Chú nên nhớ trước khi đến Bàn Môn Điếm ký hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội” .

Nhìn vẻ mặt trầm ngâm của Bác, đồng chí Phùng Thế Tài thầm đoán có lẽ trong giây phút này Bác Hồ đang nghĩ tới cảnh Hà Nội, Hải Phòng sẽ bị máy bay Mỹ tàn phá và khả năng quân dân ta sẽ đánh thắng không quân chiến lược Mỹ trên bầu trời Thủ đô.

Một bản kế hoạch mang tên "Phương án đánh trả cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B52 của Mỹ, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng" của Quân chủng Phòng không - Không quân được hình thành ngày 27 tháng 2 năm 1968, tuy còn đơn sơ nhưng đã chứa đựng những nội dung rất cơ bản.

Rồi từ những kinh nghiệm nóng hổi của các chiến trường, bản kế hoạch đầu tiên ấy liên tục được sửa chữa, bổ sung, để đến năm 1972, Quân chủng có thêm những "Phương án tháng 5", "Phương án tháng 7", "Phương án tháng 9", cuối cùng là "Phương án tháng 11", bản kế hoạch đánh B52 hoàn chỉnh nhất (Chú thích:Phương án tháng 9 được Tư lệnh Lê Văn Tri mang lên báo cáo trực tiếp với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp vào cuối tháng 9 năm 1972. Phương án tháng 11 được Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng ký duyệt ngày 24-11-1972.).

Trên cơ sở bản kế hoạch đó, Quân chủng Phòng không - Không quân đã cùng cả miền Bắc lao vào một cuộc chuẩn bị hết sức khẩn trương, để đến tối 18 tháng 12, bước vào trận chiến đấu một cách rất đàng hoàng, chủ động, một sự chủ động tuyệt vời bắt nguồn từ tầm nhìn thông tuệ và sự chỉ đạo sáng suốt, minh mẫn của cấp chiến lược, của Bộ thống soái tối cao - Bộ Chính trị, trước hết là của Bác Hồ kính yêu.

Trải qua 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng và tài giỏi, quân dân Hà Nội, Hải Phòng đã làm nên một "Điện Biên Phủ trên không" lừng lẫy, buộc giặc Mỹ phải “chịu thua trên bầu trời Hà Nội" đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo trước đó 5 năm.

Nguồn: "Điện Biên Phủ trên không" - chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam - Tác giả : Lưu Trọng Lân, nguyên là Phó trưởng phòng Tác huấn, Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân 

: : HÌNH ẢNH LỊCH SỬ

: : TÌM KIẾM

: : NHÀ TÀI TRỢ CHÍNH


Đại học Quốc Gia TP.HCM
Thư Viện Trung Tâm
Nhà cung cấp dữ liệu


Sở văn hóa thông tin TP.HCM
Tổ Chức Cấp Phép


Bộ thông tin và truyền thông
Tổ Chức Cấp Phép