Trả lời: Đáp: Để tiến hành cuộc tập kích quy mô lớn vào Hà Nội, Hải Phòng, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã huy động đến mức cao nhất sức mạnh ưu việt của nền công nghiệp quân sự Mỹ, với những chiếc máy bay hiện đại nhất, cùng khối lượng đạn bom khổng lồ, và những phương tiện chiến tranh điện tử tối tân nhất. Bên ta tuy thua kém hơn, nhưng cũng có ra-đa cảnh giới và dẫn đường Pê 35 (п 35), có máy bay tiêm kích MIG 21, tên lửa SAM2, pháo cao xạ 100 ly và 57 ly do máy chỉ huy K6-19 và K6-60 điều khiển. Rõ ràng đây là một cuộc đụng đầu quyết liệt giữa vũ khí, kỹ thuật rất hiện đại của Mỹ, với vũ khí, kỹ thuật hiện đại của Việt Nam (Chú thích:Hầu hết do Liên Xô trang bị). Có lẽ vì vậy mà có người cho rằng trong bối cảnh của một cuộc chiến đấu trên bầu trời như thế, vai trò của chiến tranh nhân dân không thể nào phát huy được như trong một cuộc chiến đấu trên mặt đất. Vậy sự thật ra sao? Thực tế là trong chiến dịch 12 ngày đêm năm ấy, ở Hà Nội và Hải Phòng đã diễn ra hình ảnh rõ nét nhất của một cuộc chiến tranh nhân dân đất đối không cực kỳ sôi động. Mỗi lần máy bay địch kéo đến từ xa, ở Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân, tức Sở chỉ huy chiến dịch, trên tấm bản đồ lớn bằng mi-ca, những cây bút chì dầu trong tay các chiến sĩ đánh dấu đường bay, liên tục ghi những đường bay tiến công của giặc. Những đường chì màu đen, giống như một bàn tay xòe rộng của tử thần, nhích dần từng bước, hướng về trung tâm thành phố (Chú thích:Trong đời tôi, đây là ấn tượng không bao giờ quên. Lúc ấy Sở chỉ huy trung đoàn tôi cung ghi được những đường bay như thế). Một mệnh lệnh được phát ra từ người chỉ huy cao nhất: "Báo động B52! Sẵn sàng chiến đấu". Còi báo động của thành phố rú vang từng hồi. Từ các loa phóng thanh trên mọi nẻo phố phường truyền đi tiếng nói điềm tĩnh, dõng dạc của chị phát thanh viên: "Đồng bào chú ý. Đồng bào chú ý. Máy bay địch cách Hà Nội một trăm cây số". Lực lượng vũ trang về vị trí chiến đấu mọi người dân chạy về nơi ẩn nấp. Cả thành phố sẵn sàng. Khi những chùm bom hủy diệt của kẻ thù sắp rơi xuống thì cũng là lúc những chiếc MIG rời đường băng, những quả đạn tên lửa rời bệ phóng, những chùm đạn cao xạ các cỡ vút lên chặn đánh máy bay thù. Không chỉ có máy bay, tên lửa có thể vươn tới độ cao trên 10 ngàn mét, chúng ta còn có rất nhiều những khẩu pháo, khẩu súng tầm thấp của bộ đội, của tự vệ, của dân quân, bố trí khắp nơi, trên các ngọn đồi, mỏm núi, ven sông, trên những nóc nhà cao tầng, trong đồng, ngoài bãi, hình thành một mạng lưới dày đặc, rộng khắp, nhiều tầng đón đánh kẻ thù bay vào từ mọi hướng, từ xa đến gần. Nhiều chiếc máy bay hiện đại F111A, A6A, bay thật thấp để tránh bị ra-đa phát hiện, cuối cùng cũng phải đền tội bởi lưới lửa tầm thấp thiên la địa võng của quân dân ta (Chú thích:Viên thiếu tá phi công John Gaudeous, sau mấy lần thoát chết đã khiếp đảm thốt lên: "Bay vào vùng châu thổ sông Hồng, chúng tôi đã gặp phải một lưới lửa nhiều tầng, trên tất cả mọi độ cao. Bay thấp thì bị đạn cao xạ bắn. Bay độ cao trung bình thì lại bị tên lửa SAM và máy bay MIG truy đuổi".). Vốn là mảnh đất thiêng liêng của hậu phương lớn, Hà Nội bỗng trở thành "Thăng Long chiến địa". Ở đây mỗi người dân đều trở thành chiến sĩ. Trong tiếng đạn bom rung trời chuyển đất và trong đổ nát tan hoang, người ta bỗng thấy xuất hiện những tốp thanh niên nam nữ lao nhanh về các trận địa phòng không, giúp bộ đội tiếp đạn, tải thương, thay lá ngụy trang, khắc phục hậu quả; các bà mẹ tay xách, nách mang những rổ trái cây, những ấm nước chè xanh đến từng khẩu đội thăm hỏi, động viên các pháo thủ. Giữa các ngôi nhà sụp đổ, cạnh những đống lửa đang bốc lên rừng rực, bóng các anh công an áo vàng, những chị em y tá, cứu thương, những đội viên dân phòng xuất hiện. Họ hối hả đào bới, cứu những người bị sập hầm, băng bó, chữa ngạt cho những người bị nạn, cứu những căn nhà bị cháy, hoặc tháo gỡ những quả bom chờ nổ. Sân bay MIG, trận địa tên lửa, trận địa cao xạ là những mục tiêu tiến công ngày đêm của không quân Mỹ. Chúng muốn triệt phá những đường băng, xóa sổ những chốt thép kiên cường trên mặt đất. Nhưng mỗi khi sân bay và trận địa ta bị bom Mỹ cày xới thì phút chốc đã có ngay những lực lượng cứu trợ của nhân dân các xã lân cận kéo đến, không nề nguy hiểm, phối hợp với bộ đội công binh, nhanh chóng san lấp các hố bom, sửa chữa các đường băng, ụ pháo để cho máy bay ta lại tiếp tục cất cánh, cho đạn tên lửa và đạn cao xạ của ta lại vạch trời đêm lao đi tìm diệt máy bay Mỹ. Ấn tượng nhất là hình ảnh pháo đài bay Mỹ bùng cháy giữa trời. "Một vầng lửa lớn dần rồi sa xuống. Đèn Hà Nội tắt, nhưng bầu trời rực sáng. Chúng tôi nhìn rất rõ, không sai. Chính nó đấy! Bê Năm Hai!" (Trích thơ chiến sĩ: Nguyễn Huy Hùng) Cả Hà Nội sáng lòa trong ánh lửa. Đó đây thấp thoáng những cánh dù rơi. Lập tức hàng chục, hàng trăm người từ các hầm trú ẩn vọt ra, đa số là dân quân trai gái ngoại thành, bà con các thôn xã lân cận, có cả những thiếu niên, những cụ già, kẻ gậy người dao, rầm rập kéo nhau đi lùng bắt giặc lái. Một cảnh tượng thật hào hùng của một trận đánh "hiệp đồng binh chủng" tuyệt đẹp diễn ra giữa đất trời Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh khung cảnh tấp nập, rộn ràng khí thế ấy còn có biết bao cán bộ, công nhân viên thầm lặng bám máy, bám đài, bám bệnh viện, cửa hàng... để giữ vững thông tin liên lạc thông suốt và bảo đảm cho các nhu cầu thiết yếu về điện, nước, y tế, lương thực, thực phẩm cho cuộc chiến đấu của thủ đô. Không thể không nói đến một mặt trận khác cũng không kém phần quan trọng, đó là hình ảnh toàn dân làm công tác giao thông vận chuyển chi viện cho chiến trường, ngay cả trong những ngày Hà Nội - Hải Phòng liên tục bị Mỹ ném bom. Từ các kho hàng viện trợ khổng lồ ở thành phố Cảng, những đoàn xe vẫn nối đuôi nhau vượt hàng trăm ki-lô-mét dọc đường Năm lên Hà Nội, để rồi từ đó đi tiếp về hướng nam. Thật khó có thể ngờ rằng dưới những đợt B52 "rải thảm", vắt qua sông Đuống, sông Hồng vẫn có 5 chiếc cầu phao và 1 chiếc cầu treo sừng sừng, cùng những chuyến phà ngày đêm qua lại, giữ vững mạch máu giao thông. Bộ đội công binh cùng lực lượng bảo đảm cầu phà, những thanh niên nam nữ của Hà Nội, mặc đạn bom, mặc cái rét cắt da giữa mùa đông lạnh buốt, vẫn kiên cường bám phà, bám cấu phục vụ cho những đoàn xe qua sông. Theo thống kê thì trung bình có tới 2.500 chuyến xe ô tô vượt sông trong một ngày đêm hồi đó. Họa sĩ Nguyễn Đức Thọ, cán bộ của Cục Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân, đã ghi lại một hình ảnh đẹp qua một bức tranh sơn dầu nổi tiếng: trên cầu phao Chương Dương của Hà Nội, những chiếc xe kéo đạn tên lửa đang sang sông về trận địa. Cận cảnh là hình ảnh mấy anh bộ đội và một nữ dân quân, vai đeo súng, đang áp giải ba tù binh phi công Mỹ, đầu và tay quấn băng, đang đi qua cầu để về "khách sạn Hin-tơn". Bên cạnh là một phóng viên đang quay phim. Tuy là tác phẩm nghệ thuật nhưng bức tranh đã thể hiện được một mảng thực tế sinh động của cuộc chiến tranh nhân dân trong 12 ngày đêm năm ấy. Đêm 18 rạng ngày 19 có một thời điểm làm cho đồng bào miền Nam nín thở, bè bạn gần xa hồi hộp lo âu. Đó là khoảnh khắc Đài Tiếng nói Việt Nam ngừng phát sóng. Một loạt bom "rải thảm" đã trùm lên khu vực Đài phát sóng Mễ Trì. Giặc Mỹ muốn bóp chết tiếng nói chính nghĩa của chúng ta. Chúng muốn khóa miệng không cho chúng ta tố cáo tội ác của chúng. Nhưng, nhờ phương án chuẩn bị sẵn, cán bộ công nhân viên của ta đã nhanh chóng sử dụng đài dự phòng thay thế, để sau đúng 9 phút, tiếng nói của các phát thanh viên lại tiếp tục vang lên, truyền đi tin chiến thắng. Đêm 18 tháng 12 quân dân miền Bắc thắng lớn, bắn rơi 3 B52 Mỹ, có 2 chiếc rơi tại chỗ. Được nghe lại tiếng nói thân thương của Đài miền Bắc, nhận được tin chiến thắng từ Thủ đô xa xôi vọng về, đồng bào miền Nam thở phào, nhẹ nhõm, phấn chấn lạ thường. Bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Pa-ri, sau này kể lại: "Hai phái đoàn của ta ở Pa-ri, khi nghe tin Hà Nội bắn rơi chiếc B52 đầu tiên đã reo mừng, sung sướng đến phát khóc (Chú thích:Nguyễn Thị Bình: Mặt trận Dân tộc giải phóng, Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Pa-ri về Việt Nam - Nxb Chính trị quốc gia - Hà Nội -2001. Bà Nguyễn Thị Bình nguyên là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Mấy ngày sau, bà con miền Bắc, lần theo tần số máy thu thanh, bỗng nghe tiếng nói sôi nổi của Đài Tiếng nói Việt Nam truyền lại bài xã luận của Thông tấn xã Giải phóng: "Mấy hôm nay nhiều người Sài Gòn không ngủ được. Không ngủ được vì căm thù giặc Mỹ, không ngủ được vì tinh thần dân tộc rực cháy trong tim... Lửa miền Bắc khêu lửa miền Nam. Lửa Hà Nội thiêu cháy pháo đài bay giặc, lửa Sài Gòn bùng lên mãnh hệt. Lửa đốt cháy kho bom thành Tuy Hạ, lửa chụp xuống đầu quân giặc ở Tân Sơn Nhất... Sài Gòn nguyện cùng Hà Nội, miền Nam nguyện cùng miền Bắc quyết chiến và quyết thắng!". Đánh thắng B52 Mỹ không chỉ có nhân dân Hà Nội, Hải Phòng và nhân dân miền Bắc, mà còn có cả sức mạnh chung tay tiếp sức của đồng bào Sài Gòn, của bà con ruột thịt miền Nam, của thế trận cả nước cùng đánh giặc. Bài xã luận tha thiết, hùng hồn của Thông tấn xã Giải phóng vượt qua muôn trùng sông núi, đến với đồng bào chiến sĩ Thủ Đô giữa đất trời khói lửa, nghe sao rạo rực cả tâm hồn. Trong những ngày đêm sôi động ấy, bộ đội phòng không Hà Nội không thể nào quên hình ảnh những nam nữ nghệ sĩ văn công, tay đàn tay sáo, chia nhau tỏa xuống các trận địa, mang lời ca tiếng hát phục vụ các chiến sĩ bên bệ phóng, cạnh mâm pháo nóng bỏng đạn bom. Có những diễn viên không chuyên của Sư đoàn phòng không Hà Nội, đầu còn quấn băng, tay chống nạng, đã nén đau thương vì mới đêm qua đồng đội mình vừa ngã xuống vẫn hát vang bài ca quen thuộc "Pháo ta bảo vệ Ba Đình"... Đêm 18 tháng 12, một loạt bom B52 đã cướp đi sinh mạng của 10 nam nữ diễn viên trong Đội văn nghệ nghiệp dư của Sư đoàn phòng không B61. Cũng không thể nào quên dược những anh chị em phóng viên báo chí, những nhà quay phim, nhiếp ảnh can trường, xông xáo, mà chúng ta mãi mãi biết ơn họ về những dòng tin, những trang báo nóng hổi tính thời sự về những thước phim (Chú thích:Như hai bộ phim Hà Nội, cuộc đọ sức 5 ngày đêm" và “Hà Nội - Điện Biên Phủ” của nhà quay phim và đạo diễn nổi tiếng Phạm Khắc (nghệ sĩ nhân dân, Anh hùng lao động).) và những tấm hình mang chứng tích thời đại vô giá (Chú thích:Quân chủng Phòng không - Không quân có những phóng viên xông xáo dũng cảm đã ghi được nhiều hình ảnh có giá trị như Xuân Át, Xuân Mai, Minh Huệ, Thủy Nông, Sông Châu...) Cả những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ... bằng sự rung động của trái tim, đã viết nên những áng văn, những vần thơ, những khúc ca, sáng tác những điệu múa, những bức tranh ngợi ca chiến thắng lẫy lừng của dân tộc. Và đây nữa giọng nói thân thương truyền cảm của những phát thanh viên, bằng nhiều thứ tiếng, ngày đêm truyền đi tin chiến sự và những bài bình luận cháy bỏng lòng người (Chú thích:Như Việt Hà, Trần Phương, Kiên Cường, Nguyễn Thị Tuyết Mai, Thu Hương, Phương Chi, Hoàng Yến, Kim Cúc...). Bên cạnh thành tích chiến đấu, Hà Nội còn có thành tích đáng tự hào về công tác phòng tránh, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Những ai đã và từng sống ở thủ đô thời ấy, chắc còn giữ mãi ấn tượng sâu sắc về một hệ thống hầm hào trú ẩn được dựng lên khắp phố phường. Đặc biệt là những chiếc hầm tròn có nắp bằng bê tông, rải rác mọi nơi, bảo đảm cho bất kỳ ai đang đi trên đường, hễ có báo động là có thể dễ dàng tìm thấy nơi ẩn tránh. (Chú thích:Hà Nội lúc ấy có 63 vạn hố trú ẩn cá nhân.) Một số khách nước ngoài từng ở Việt Nam trong những ngày khói lửa, đã nhận thấy trên gương mặt người Hà Nội hiện lên vẻ điềm tĩnh lạc quan và niềm tự tin đáng khâm phục. Phóng viên Mỹ Rai-bâu viết trên tờ "Tin nhanh": "Nét mặt của họ có một vẻ đẹp tự nhiên, một vẻ bình tĩnh thư thái mà tôi chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào khác". Ngày đó, Hà Nội có 60 vạn dân. Trước khi xảy ra trận không kích của Mỹ, chính quyền thành phố đã tổ chức sơ tán được khoảng 30 vạn người. Sau đêm 18 tháng 12, đêm đầu tiên B52 "rải thảm", lệnh sơ tán khẩn cấp và triệt để được loan đi, những dòng người đông nghịt hối hả rời thành phố. Kẻ đi bộ, trên vai trĩu nặng ba lô hoặc gồng gánh. Có người gánh cả con thơ trong một đầu thúng. Người thì đi xe, đủ thứ xe có thể tận dụng: xe đạp, xe xích lô, xe bò, xe ba gác. Có một số người may mắn, nhất là các cụ già, em nhỏ, được sắp xếp đi trên những chiếc xe tải, xe ca, và cả những chiếc tàu điện Hà Nội-Hà Đông. Họ tỏa về các vùng nông thôn, tìm đến vòng tay đùm bọc, che chở, cưu mang của bà con các làng quê giàu lòng nhân nghĩa. Tuy không khí vội vã, nhưng hàng chục vạn người đã ra đi trong trật tự và an toàn (Chú thích:Tính cả trước và sau đêm 18 tháng 12, Hà Nội đã tổ chức sơ tán được gần 50 vạn người.). Những người ở lại hoàn toàn có thể yên tâm bám trụ Thủ đô và sẵn sàng lao vào cuộc chiến đấu sinh tử với quân thù. Chính nhờ sơ tán và phòng tránh tốt mà chính quyền thành phố Hà Nội đã làm giảm thiểu sự tổn thất về người do địch gây ra trong 12 ngày đêm đến mức thấp nhất. Theo tính toán của nhà sử học Mỹ Oét-đơn E Brao (Chú thích:Oét-đơn E Brao (Weddon A Brown), National University publicatio Kenicatpress -New York, 176.), giáo sư lịch sử Viện Bách khoa Viếc-gi-nia thì "Cuộc tập kích đã có thể làm chết đến 13.000 dân thường Việt Nam". Nhưng, thực tế số thương vong của đồng bào ta trong 12 ngày đêm đã được hạn chế rất nhiều và chỉ bằng 1/3 con số được tính toán có khoa học nói trên. Và đó cũng là một khía cạnh thành công của cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh bảo vệ Thủ đô. Báo Pháp "Thế giới" (Le Monde) đã từng viết: "Đối diện với quân đội Mỹ là cả một dân tộc kiên quyết như quả núi đá, có một tâm hồn cao thượng đáng khâm phục, một tinh thần dũng cảm vô song không hề biết sợ trước bất kể kẻ thù nào". Chính cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra (Robert Mc Namara) cũng phải thừa nhận: "Những cuộc ném bom hủy diệt của Mỹ đã không thể nào tiêu diệt được ý chí của cả một dân tộc". Giô-rít I-van, đạo diễn điện ảnh nổi tiếng của Hà Lan nhận xét: "Đã từng chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh, nhưng tôi chưa thấy ở nơi nào trên thế giới mà cả dân tộc kết thành một khối cùng đánh giặc như ở Việt Nam". Niu-tơn (Newton), nhà bác học lừng danh đã từng nói câu nổi tiếng cách đây bốn thế kỷ: "Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng cả trái đất này lên". Với ý nghĩa tương tự, chúng ta có thể khẳng định rằng: Trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972, cuộc chiến tranh nhân dân đất đối không được phát triển lên đến đỉnh cao, với cả một cao trào toàn dân đánh máy bay Mỹ, toàn dân làm công tác phòng tránh, toàn dân làm công tác giao thông vận chuyển, toàn dân hợp tác và giúp đỡ bộ đội chiến đấu, cộng với trí thông minh và lòng dũng cảm vô song, chính là điểm tựa, là đòn bẩy, là chiếc chìa khóa vạn năng và cũng là cái gốc của mọi bí ẩn, đã giúp cho quân dân ta lập nên chiến tích thần kỳ "Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt.
Nguồn: "Điện Biên Phủ trên không" - chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam - Tác giả : Lưu Trọng Lân, nguyên là Phó trưởng phòng Tác huấn, Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân |