TRẮC NGHIỆM LỊCH SỬ


Đếm lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter

Hỏi đáp các vấn đề Lịch Sử


CÂU HỎI VÀ CÂU TRẢ LỜI
Câu hỏi: Câu hỏi 19: Tội ác của Mỹ trong chiến dịch ném bom Hà Nội Hải Phòng cuối năm 1972 như thế nào?
Trả lời:

Đáp: Cuộc tập kích bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng tháng 12 năm 1972 là một cuộc ném bom hủy diệt vô cùng man rợ. Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếC B52 (Chú thích:Phía Mỹ công bố 729 phi vụ, gồm 340 phi vụ từ U-ta-pao, 389 phi vụ từ Gu-am.) và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật dội xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi khác trên miền Bắc nước ta hơn 100 ngàn tấn bom. Riêng Hà Nội, với 444 lần chiếc B52 cùng nhiều máy bay chiến thuật, bằng 10 ngàn tấn bom (Chú thích:Bằng quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hi-rô-si-ma (Mỗi quả tương đương 10.000 tấn thuốc nổ TNT). Ních~xơn muốn biến Hà Nội thành một "Hi-rô-si-ma không cần bom nguyên tử”.). Chúng đã hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường và làm bị thương 1.355 người khác

Ta-go (Rabindranath Tagore), nhà thơ lớn, nhà "Nhân đạo vĩ đại của Ấn Độ, người từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi là "Đại văn hào mà cả thế giới đều kính trọng”, đã có một câu nói nổi tiếng: "Con người một khi trở thành thú thì còn ác hơn cả loài thú". Ních-xơn, Tổng thống Mỹ là một con "người-thú" như thế. Là một kẻ tàn bạo, cuồng sát, từng coi Tơ-ru-man (Truman) người đã ra lệnh ném 2 quả bom nguyên tử xuống đầu nhân dân Nhật Bản năm 1945 là "vị tổng thống dũng cảm nhất nước Mỹ"; kẻ bằng cái giọng hợm hĩnh và hống hách cực độ đã từng tuyên bố vào năm 1968 rằng: "Người Bắc Việt Nam cần phải hiểu là Ních-xơn đây sẵn sàng làm bất cứ việc gì để chấm dứt chiến tranh... hãy đừng làm cho tôi nổi giận và nên nhớ rằng tay tôi đang đặt trên nút phóng tên lửa hạt nhân... Nếu không, trong vòng hai hôm, Hồ Chí Minh phải có mặt ở Pa-ri để cầu xin hòa bình", thì nay, một lần nữa Ních-xơn lại tự thú nhận một cách trơ trẽn rằng: "Điều phân biệt tôi với Giôn-xơn là tôi có gan dùng sức mạnh của con bài B52 "

Lễ Giáng sinh năm đó, mỉa mai thay, Ních-xơn vẫn cùng vợ đi đến nhà thờ. Ông ta cũng lầm rầm đọc kinh Phúc âm trước tượng Chúa, nhưng ngay hôm sau, 26 tháng 12, Ních-xơn đã cho B52 rải những chùm bom ác nghiệt xuống Hà Nội, gieo tai ương thảm khốc xuống các khu dân cư yên lành như Khâm Thiên, Yên Viên, Gia Lâm, Uy Nỗ... Trong hồi ký của mình, Ních-xơn kể lại: "Tôi đã đích thân ra lệnh tiến hành cuộc ném bom lớn nhất xuống các mục tiêu ở Hà Nội, Hải Phòng vào đêm 26 tháng 12" (Chú thích:Tốp B52 rải gần 90 tấn bom xuống Khâm Thiên vào lúc 22 giờ 47 đêm 26 tháng 12 năm 1972.).
Đêm hôm ấy, Khâm Thiên, một khu phố có mật độ dân số đông nhất Hà Nội, đã bị một loạt bom B52 trùm kín cả chiều dài hàng ki-lô-mét. 2265 ngôi nhà bị phá sập, 287 người chết và 290 người bị thương.

Tôi đã ghé qua Khâm Thiên vào buổi chiều sau cái đêm thảm sát đáng nguyền rủa ấy. Ở phía ngoài, con đường lớn chỉ bị nứt nẻ vài đoạn với ba căn nhà bị sập. Nhưng ở bên trong, đằng sau dãy phố chính ấy là cả một vùng trải dài hàng cây số đổ nát tan hoang. Những hình ảnh thương đau đập vào mắt tôi, nhức nhối. Khu phố đông dân gốm phần lớn là nhà ở của bà con lao động nghèo, đã bị một loạt bom "rải thảm" của B52 Mỹ biến thành bình địa. Hố bom chi chít, cùng với gỗ, đá, gạch, ngói vụn nát ngổn ngang. Một cụ già tóc bạc trắng, hai tay ôm đầu, ngồi yên lặng trước ngôi nhà thân yêu, kết quả của một đời chắt chiu, dành dụm, giờ dây chỉ còn mấy cây cột gãy đổ. Một bà mẹ, đôi mắt mọng sưng, lôi ra từ trong đống đổ nát những vật kỷ niệm còn sót lại của đứa con trai vừa bị bom Mỹ cướp đi mạng sống. Trong khói lửa chưa tan, nhiều nhóm người hối hả đào bới, tìm kiếm thi thể người thân. Đây đó vang lên những tiếng than khóc não ruột, xé lòng.

Về sau, tôi được biết thêm ở đây có căn nhà số 22 của chị em Lan và Phượng. Cả hai đều là sinh viên, chị sinh viên năm thứ ba, em năm thứ nhất. Bố mẹ và gia đình đều đã đi sơ tán. Đêm 26 tháng 12, một trái bom Mỹ đã biến căn nhà ấy thành một hố sâu. Không còn gì hết ngoài một tập sách cháy dở và một vài mảnh áo bông thấm máu của hai chị em Lan và Phượng.

 

Còn có gia đình ông Đoan, khi bom B52 nổ, ông bà bị chết vùi ngay dưới chân cầu thang. Hai cô con gái của ông bà kịp chạy xuống hầm. Nhưng cửa hầm sập và một ống nước gần đó bị vỡ. Nước tuôn như xối vào căn hầm nhỏ. Hai chị em thét lên kinh hãi và bằng đôi tay nhỏ yếu của mình, cuống cuồng đào bới. Nhưng khối nước vô tình cứ dâng lên, dâng lên mãi cho đến khi toàn bộ căn hầm bị nước ngập đầy.

Ở thôn Gia Thụy, Gia Lâm có gia đình bác Hiển, chỉ trong một trận bom, cả nhà 10 người, chết 9. Gia đình bác Quốc bị một quả bom cướp đi sinh mạng của bà mẹ già cùng đàn cháu thơ.

Tại thị trấn Yên Viên có một chiếc xe ca đang chở khách. Bom B52 đã biến chiếc xe ca thành một đống sắt bẹp dúm.
Nhiều người chết và bị thương nặng. họ lần lượt được đưa ra khỏi xe. Chỉ còn một cô gái trẻ bị thương ở cánh tay, máu chảy lênh láng. Còn đôi chân thì bị kẹp cứng giữa hai chân ghế, không sao rút ra được. Các anh công an, dân phòng đã dùng đến xà beng để cạy gỡ, nhưng cuối cùng vẫn bó tay. Giữa cảnh đêm khuya rùng rợn ấy, tiếng kêu la đau đớn, tuyệt vọng của cô gái còn kẹt lại trong xe, cứ vang lên não nuột từng hồi cho đến khi hoàn toàn lịm tắt.

Trước đó bốn hôm, vào lúc 2 giờ 38 phút rạng sáng 22 tháng 12, bệnh viện Bạch Mai một cơ sở y tế dân sự vào loại lớn nhất miền Bắc hồi ấy cũng đã bị B52 Mỹ dội bom. Tòa nhà chính của bệnh viện đổ sập, đè lên những căn hầm, trong đó có rất nhiều bệnh nhân và nhân viên y tế đang ẩn nấp. Ban lãnh đạo bệnh viện đã làm đủ mọi cách mà đành bất lực.

Không có chiếc xe cẩu nào đủ sức nhấc nổi khối bê tông và gạch đá khổng lồ ấy. Tiếng kêu khóc từ trong lòng đất vang lên yếu ớt, nghe như từ cõi xa xăm vọng về. Các bác sĩ, y tá đã phải dùng những ống cao su nhỏ, luồn qua những khe nứt để bơm sữa xuống cho những người bị nạn. Sau đó nhiều người đã chết vì ngạt, vì đói hoặc vì chấn thương.

Có một câu chuyện đau lòng mà báo chí hồi đó đã đưa tin. Một đôi trai gái, đều là bác sĩ của bệnh viện Bạch Mai, đã chuẩn bị ngày hôn lễ. Thiếp mời dự tiệc cưới đã gửi đến tất cả bè bạn. Vậy mà, đêm nay, những quả bom độc ác của Nich-xơn đã cướp đi mạng sống và hạnh phúc của hai người.

Em Đặng Thị Hà, 16 tuổi, học sinh lớp 10 ở khu phố Gia Lâm, đã bị bom Mỹ giết hại ngay trong đêm 18. Cha em, ông Đặng Văn Phúc đã làm bài thơ khóc con bằng những lời thống thiết:

"Cha khóc con bằng máu trái tim
Sao nó lại giết con,
Hà ơi! Sao thế?
Dấu hỏi lớn xoáy vào lòng cha, đau xé!"


Và còn biết bao chuyện thương tâm khác nữa. Nhân dân ta căm hờn đến nghẹn cổ khi nghĩ đến những kẻ luôn khoe mình là văn minh nhất thế giới, "nhân quyền" nhất thế giới, lại đem ưu thế tuyệt đối của sức mạnh không quân, dội đau thương tang tóc lên đầu một dân tộc khác (Chú thích:Không chỉ tàn sát người Việt Nam, trong 12 ngày đêm năm 1972, máy bay Mỹ còn ném bom, phóng tên lửa vào cả những cơ quan đại diện ngoại giao, những Đại sứ quán (Pháp, Ấn Độ, Cu-ba, Ai Cập, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri, An-ba-ni, Cam-pu-chia...).

Ném bom vào bệnh viện Bạch Mai, rắc bom xuống những khu phố, thị trấn, làng mạc đông dân như Khâm Thiên, Gia Lâm, Yên Viên, Uy Nỗ, An Dương hoàn toàn không phải là sự nhầm lẫn của không lực Hoa Kỳ mà là ý đồ đen tối của nhà cầm quyền Mỹ. Bên cạnh những mục tiêu quân sự, kinh tế cần phải hủy diệt, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc còn có âm mưu đánh vào những mục tiêu dân sự, nhằm gây tổn thất, thương vong lớn về sinh mạng, làm cho tinh thần dân ta khiếp đảm, lòng dân ta hoang mang. Chúng hy vọng một bộ phận dân chúng sẽ đứng lên gây áp lực, phản đối chính quyền ta đã không chịu nghe theo lời Mỹ, buộc Mỹ phải ném bom rồi đổ trách nhiệm cho nhà cầm quyền Hà Nội. Rõ ràng đây là một âm mưu chính trị, vừa thâm độc vừa bạo tàn. Nhưng đế quốc Mỹ đã lầm to. Tội ác của chúng trong những ngày tháng chạp năm 1972 đã không làm cho quân dân ta nao núng, ngược lại chỉ làm tăng thêm lòng căm thù và quyết tâm chiến đấu của quân dân ta mà thôi.

Thực tế diễn ra trong chiến dịch 12 ngày đêm đã chứng minh điều đó.

Nguồn: "Điện Biên Phủ trên không" - chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam - Tác giả : Lưu Trọng Lân, nguyên là Phó trưởng phòng Tác huấn, Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân

: : HÌNH ẢNH LỊCH SỬ

: : TÌM KIẾM

: : NHÀ TÀI TRỢ CHÍNH


Đại học Quốc Gia TP.HCM
Thư Viện Trung Tâm
Nhà cung cấp dữ liệu


Sở văn hóa thông tin TP.HCM
Tổ Chức Cấp Phép


Bộ thông tin và truyền thông
Tổ Chức Cấp Phép